Xây dựng Sổ tay hướng dẫn đánh giá phát thải và kiểm soát ô nhiễm phương tiện cơ giới đường bộ

Công trình nghiên cứu 02/11/2016 13:44

Đề tài: Xây dựng Sổ tay hướng dẫn đánh giá phát thải và kiểm soát ô nhiễm phương tiện cơ giới đường bộ

Chủ nhiệm đề tài: TS. Vũ Ngọc Khiêm

Phó Hiệu trưởng | Trường Cao đẳng GTVT

Một trong những vấn đề nhức nhối mà toàn xã hội đều quan tâm  là ô nhiễm môi trường do hoạt động giao thông vận tải đường bộ. Chất lượng của công tác bảo vệ môi trường giao thông vận tải đường bộ phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức về môi trường của những người trực tiếp tham gia vào các hoạt động giao thông cũng như các nhà hoạch định chính sách. Bởi vậy, ngoài việc cung cấp cho người sử dụng phương tiện những kiến thức cơ bản về môi trường và bảo vệ môi trường, kiến thức về kiểm soát phát thải phương tiện giao thông đường bộ, cách thức sử dụng và vận hành phương tiện nhằm giảm ô nhiễm môi trường (Lái xe Sinh thái) – thì những kiến thức về quy trình xây dựng các tiêu chuẩn về mức giới hạn các chất ô nhiễm trong khí thải, vấn đề sử dụng nhiên liệu và các giải pháp công nghệ nhằm giảm thiểu ô nhiễm khí thải là hết sức cần thiết đối với các nhà chuyên môn, các nhà hoạch định chính sách về môi trường. “Sổ tay hướng dẫn đánh giá phát thải và kiểm soát ô nhiễm các phương tiện cơ giới đường bộ” bao gồm kiến thức về qui trình thử và giới hạn ô nhiễm tương ứng kèm theo khi thử nghiệm công nhận kiểu phương tiện cơ giới đường bộ sẽ giúp cho các nhà quản lý tạo ra công cụ quản lý hữu hiệu nhằm cải thiện chất lượng không khí, nhất là tại các khu đô thị có mật độ phương tiện cơ giới đường bộ tham gia giao thông lớn; kiểm soát nguồn phát thải từ phương tiện cơ giới đường bộ ngay từ giai đoạn thiết kế, sản xuất; buộc các hãng sản xuất ô tô, xe máy phải nhanh chóng áp dụng các công nghệ tiên tiến nhằm cung cấp cho thị trường các phương tiện cơ giới đường bộ ít ô nhiễm hơn; tạo các rào cản hợp lý về mặt kỹ thuật nhằm bảo vệ sản xuất trong nước trong xu hướng toàn cầu hoá, tránh đầu tư các công nghệ lạc hậu; tạo hành lang pháp lý cần thiết cho sự cạnh tranh bình đẳng giữa các hãng sản xuất phương tiện cơ giới đường bộ.

Nội dung Sổ tay khoảng 600 trang, bao gồm 4 phần với 12 chương được cấu trúc theo dạng cây thư mục thuận tiện cho việc tra cứu. Ngoài phần IV là phần Hướng dẫn sử dụng sổ tay thì 3 phần còn lại bao gồm 3 nội dung lớn, đó là: Phần I: Các vấn đề chung liên quan đến ô nhiễm môi trường do phương tiện cơ giới đường bộ; Phần II: Hướng dẫn đánh giá phát thải phương tiện cơ giới đường bộPhần III: Hướng dẫn kiểm soát phát thải cơ giới đường bộ. Các nội dung của Sổ tay được tham khảo từ số lượng lớn các tài liệu có uy tín trong và ngoài nước, đây là phần đóng góp công sức đáng kể của chủ nhiệm đề tài và nhóm nghiên cứu.

Phần I bao gồm 3 chương:

Chương 1: Các khái niệm và định nghĩa cơ bản: Chương này ngoài việc trình bày những khái niệm cơ bản và chung nhất về môi trường như: môi trường, thành phần môi trường, hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển bền vững… thì những khái niệm về các nguồn gây ô nhiễm môi trường từ ĐCĐT và PTCGĐB, các dạng thử ô nhiễm điển hình, một số điểm mốc trong quá trình kiểm soát kiểm soát ô nhiễm từ PTCGĐB sẽ giúp người đọc có được những khái niệm cơ bản nhất về những vấn đề liên quan đến kiểm soát ô nhiễm phương tiện cơ giới đường bộ.

Chương 2: Cơ chế hình thành và tác động của các chất ô nhiễm phát sinh từ phương tiện cơ giới đường bộ. Chương này đã đề cập đến những vấn đề như sau:

– Thứ nhất là đã trình bày được tổng quan về vai trò của động cơ đốt trong, những sự ô nhiễm môi trường do PTCGĐB, tác động của yếu tố “môi trường” đến sự phát triển của động cơ đốt trong, dự đoán về tương lai của động cơ đốt trong.

– Thứ hai: chương này đã chỉ ra một cách cụ thể về cơ chế hình thành các chất gây ô nhiễm môi trường thông thường (CO, HC, NOx, PM), và các chất ô nhiễm đặc trưng trong khí thải ( Aldehyde, PAHs). Phân loại ra nhóm chất thải độc hại với sức khỏe con người cũng như với môi trường sinh thái.

– Thứ ba: Chương này cũng đưa ra và phân tích rất cụ thể tác động các chất ô nhiễm phát sinh từ PTCGĐB đến sức khỏe con người và môi trường sinh thái. Cụ thể gồm những vấn đề như: tác động đến sức khỏe, môi trường của các chất gây ô nhiễm thông trường; tác động của các chất gây ô nhiễm đặc trưng, tác động của tiếng ồn và các tác động khác.

Chương 3: Nhiên liệu dùng cho phương tiện cơ giới đường bộ: Chương này phân tích và đánh giá cụ thể về các loại nhiên liệu dùng cho các phương tiện cơ giới đường bộ. Nghiên cứu các vấn đề chung về nhiên liệu như thành phần hóa học, phân loại, nhiệt trị của nhiên liệu. Phân tích đánh giá cụ thể về một vài loại nhiên liệu phổ biến: nhiên liệu xăng (đặc tính vật lý, chỉ số ốc tan, trạng thái trong quá trình lưu trữ và phân phối, phụ gia); nhiên liệu diesel (đặc tính vật lý, chất lượng tự cháy, chỉ số xê tan, lưu trữ và phân phối, đặc tính tại nhiệt độ lạnh). Phân tích và đánh giá một số loại nhiên liệu thay thế (LPG, NGV, Methanol và MTBE, nhiên liệu sinh học_ Biofuel). Qua đó có sự so sánh về hiệu quả, ưu điểm, nhược điểm của các loại nhiên liệu truyền thống cũng như các loại nhiên liệu thay thế.

Phần II bao gồm 6 chương:

Chương 4: Tổng quan về các dạng thử nghiệm ô nhiễm theo tiêu chuẩn châu Âu: Chương này bao gồm hai phần: phần 1 giới thiệu phân loại động cơ và PTCGĐB theo tiêu chuẩn châu Âu. Phần 2 chương này giúp cho người đọc một cái nhìn tổng quát về các dạng thử nghiệm ô nhiễm theo tiêu chuẩn châu Âu, bao gồm: các kiểu thử nghiệm ô nhiễm công nhận kiểu và kiểm tra mức ô nhiễm của phương tiện đang lưu hành của tất cả các loại xe và động cơ.

Năm chương tiếp theo lần lượt là các chương hướng dẫn đánh giá mức phát thải khi công nhận kiểu từ phương tiện cơ giới đường bộ hạng nhẹ (chương 5), phương tiện cơ giới đường bộ hạng nặng (chương 6), phương tiện cơ giới phi đường bộ (chương 7), phương tiện cơ giới đường bộ là mô tô, xe máy (chương 8) và đánh giá mức phát thải đối với các phương tiện đang lưu hành (chương 9). Ở cả 5 chương này đều cùng có các nội dung phục vụ hướng dẫn đánh giá mức phát thải như: hướng dẫn các bước thực hiện, sơ đồ bố trí phương tiện và các thiết bị thử nghiệm, chu trình vận hành, phương pháp lấy mẫu khí thải, phương pháp phân tích hàm lượng các chất ô nhiễm, độ chính xác và yêu cầu của các thiết bị đo, nhiên liệu tham chiếu và mức ô nhiễm cho phép. Đây là những nội dung giúp cho người đọc có cái nhìn toàn diện về việc đánh giá mức phát thải từ phương tiện cơ giới đường bộ cả về công nhận kiểu lẫn đối với các phương tiện đang lưu hành.

Phần III là phần: Hướng dẫn kiểm soát phát thải cơ giới đường bộ, bao gồm 3 chương. Có thể nói, kiểm soát ô nhiễm môi trường từ phương tiện cơ giới đường bộ là tổng hợp các hoạt động, hành động, biện pháp và công cụ, là thể chế, luật pháp, tiêu chuẩn, qui định… là các giải pháp công nghệ, các chế tài, các công cụ kinh tế, chính sách, nguồn lực… để kiểm soát được đầu vào, đầu ra của mọi hoạt động liên quan tới khai thác phương tiện nhằm hạn chế tới mức thấp nhất và chủ động phòng tránh được các nguy cơ ô nhiễm có thể xảy ra.

Ở chương 10: Các nhóm giải pháp chính nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường từ phương tiện cơ giới đường bộ cung cấp các giải pháp có tính toàn diện để đạt được mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường do phương tiện cơ giới đường bộ. Đó là một chiến lược toàn diện bao gồm 4 yếu tố cơ bản là: quy hoạch giao thông và quản lý nhu cầu đi lại, tăng cường công tác kiểm tra-bảo dưỡng, nâng cao tiêu chuẩn ô nhiễm và áp dụng công nghệ hiện đại và sử dụng nhiên liệu thay thế và nhiên liệu sạch. Trong  chương này còn đề cập đến kinh nghiệm và xu hướng của các nước trong việc kiểm soát ô nhiễm phương tiện cơ giới đường bộ và một số nguồn thông tin tham khảo về vấn đề ô nhiễm môi trường từ phương tiện cơ giới đường bộ (bao gồm một số website của các cơ quan nghiên cứu và bảo vệ môi trường, một số website về công nghệ và kiểm soát phát thải của phương tiện cơ giới đường bộ, một số website của các hiệp hội nghiên cứu về nhiên liệu và ô tô và một số website của các hiệp hội kỹ sư và công nghệ ô tô)

Chương 11: Hiện trạng và công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường đối với phương tiện cơ giới đường bộ tại Việt Nam Ngoài việc trình bày khái quát hiện trạng ô nhiễm môi trường do phương tiện cơ giới đường bộ tại Việt Nam, nội dung chương này cũng trình bày sơ lược về Công tác  kiểm soát ô nhiễm môi trường phương tiện cơ giới đường bộ tại Việt Nam trong đó tập trung đề cập đến chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành trong việc kiểm soát ô nhiễm môi trường phương tiện cơ giới đường bộ; cũng như một số tồn tại và thách thức đang đặt ra cho công tác kiểm soát môi trường nói chung và kiểm soát ô nhiễm môi trường từ phương tiện cơ giới đường bộ tại Việt Nam nói riêng hiện nay.

Chương 12: Các giải pháp công nghệ nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ phương tiện cơ giới đường bộ. Như đã nói ở trên, đây là chương trọng tâm của phần III. Chương này cung cấp những nội dung chi tiết và cụ thể về những công nghệ nhằm giảm thiếu ô nhiễm môi trường từ phương tiện cơ giới đường bộ, bao gồm giải pháp giảm thiểu ô nhiễm từ nguồn; sử dụng các thiết bị xử lý ô nhiễm trên đường thải; sử dụng các hệ thống tiên tiến; nâng cao chất lượng nhiên liệu; công tác bảo dưỡng – kiểm tra và kỹ thuật vận hành phương tiện.

Dưới đây là hình ảnh minh họa giao diện của sổ tay:

so-tay

No Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *