Nhằm kiểm soát tốt khí xả từ tàu trong hoạt động hàng hải trên toàn thế giới ở mức độ cho phép, tháng 9/1997, Tổ chức Hàng hải Quốc tế IMO đã bổ sung vào Công ước MARPOL 73/78 Phụ lục VI – Các quy định về ngăn ngừa ô nhiễm không khí do tàu gây ra và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 19/05/2005. Mục đích của Phụ lục VI là kiểm soát việc phát thải các chất làm suy giảm tầng ô zôn, ô xít ni tơ (NOx), ô xít lưu huỳnh (SOx), các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi và việc đốt chất thải trên tàu biển.
Tổ chức Hàng hải thế giới (IMO) và các tổ chức bảo vệ môi trường luôn kêu gọi tìm kiếm các giải pháp và công nghệ mới ứng dụng cho tàu biển nhằm tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, tại Phụ lục VI chương 4 MARPOL 73/78, yêu cầu các chủ tàu phải xây dựng kế hoạch quản lý năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (Ship Energy Efficiency Management Plan – SEEMP) cho đội tàu. Theo quy định này bắt đầu từ ngày 01/01/2013 mỗi tàu tham gia công ước phải lập được bản kế hoạch (SEEMP) trên tàu nhằm mục tiêu giảm mức tiêu thụ nhiên liệu, giảm phát thải các chất độc hại ra môi trường thông qua các biện pháp quản lý và biện pháp kỹ thuật, bởi chi phí nhiên liệu luôn chiếm tỷ trọng cao trong khai thác tàu. Đối với các đội tàu ở Việt Nam, chi phí nhiên liệu chiếm đến 40% giá thành vận tải biển.
Hiện nay ở Việt Nam, có hơn 1700 tàu biển trong đó các tàu cỡ vừa và nhỏ chiếm số lượng lớn. Các phương tiện này thường lắp các động cơ diesel thế hệ cũ (hệ thống nhiên liệu truyền thống kiểu Bosch, chưa có bộ xử lý khí xả…) có mức độ phát thải các chất độc hại có trong khí xả cao, gây ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên và con người. Trước tình hình trên, rất cần các nhóm giải pháp hiệu quả nhằm xử lý các chất độc hại có trong khí xả của động cơ diesel lắp trên các tàu cỡ vừa và nhỏ. Đây cũng là một bài toán khó đối với ngành hàng hải nói riêng và với ngành giao thông vận tải nói chung.
(Ths. Trần Trọng Tuấn – Đại học công nghệ GTVT)
No Comments