Một yếu tố rất quan trọng có ảnh hưởng tới mức tiêu hao nhiên liệu của xe là trọng tải chuyên chở. Các phương tiện đều được thiết kế với trọng tải chuyên chở nhất định. Việc chở quá tải không chỉ dễ gây mất an toàn giao thông mà còn làm tăng mức tiêu thụ nhiên liệu (Hình 53).
Theo nguyên tắc vật lý cơ bản, lực yêu cầu để gia tốc hoặc nhấc một vật tỷ lệ với khối lượng của nó. Điều này giải thích tại sao khi trên xe có các vật dụng không cần thiết sẽ làm tăng mức tiêu thụ nhiên liệu của phương tiện. Tác động của phần trọng lượng dư này sẽ có xu hướng lớn hơn khi xe chuyển động trong đô thị (khi phần lớn nhiên liệu được sử dụng để tăng tốc phương tiện) so với khi xe chuyển động trên đường cao tốc (khi phần lớn nhiên liệu được dùng để thắng sức cản không khí, không bị tác động bởi khối lượng). Ngoài ra, mức độ ảnh hưởng của việc chở quá tải đối với mức tiêu thụ nhiên liệu là khác nhau giữa các loại phương tiện.
Thực nghiệm với xe tải hạng nhẹ (tải trọng thiết kế là 1500 kg) cho thấy, cứ 100 kg quá tải sẽ làm mức tiêu hao nhiên liệu tăng thêm khoảng 6 ¸7 %. Do vậy, nên thường xuyên kiểm tra đồ đạc, vật dụng trên xe và cất những thứ không cần thiết ở nhà nhằm giảm tối đa trọng lượng cho xe. Thậm chí, có chuyên gia còn khuyên rằng chỉ đổ một nửa bình xăng (sẽ khiến bạn phải đổ xăng thường xuyên hơn nhưng sẽ giúp bạn tiết kiệm nhiên liệu). Theo thống kê, với các xe con 7 chỗ ngồi, hàng ghế thứ 3 cả năm mới vài lần dùng đến, tốt nhất là nên tháo ra và để ở nhà, khi nào cần hãy lắp lại. Một số trang web nước ngoài còn khuyên lái xe rất cụ thể, ví dụ như “Loại bỏ các cây gậy đánh gôn khỏi xe khi không cần đến”.
Sự thay đổi các loại lực cản đối với quá trình chuyển động của một phương tiện đã được phân tích chi tiết trong mục 2.2.1 và được trình bày trên Hình 22 (chương 2). Ở chế độ tốc độ không đổi, ta thấy:
+ Ở tốc độ 30 km/h, lực cản khí động tiêu tốn 20 % công suất phát ra của động cơ.
+ Ở tốc độ 90 km/h, lực cản khí động tiêu tốn đến 60 % công suất phát ra của động cơ.
+ Ở tốc độ 130 km/h, lực cản khí động tiêu tốn đến 70 % công suất phát ra của động cơ.
Ở chế độ tăng tốc, với gia tốc a=0,5 m/s2, ta thấy:
+ Nếu tăng tốc từ tốc độ ban đầu là 30 km/h, lực cản khí động tiêu tốn 5 % công suất phát ra của động cơ.
+ Nếu tăng tốc từ tốc độ ban đầu là 90 km/h, lực cản khí động tiêu tốn đến 27 % công suất phát ra của động cơ.
+ Nếu tăng tốc từ tốc độ ban đầu là 130 km/h, lực cản khí động tiêu tốn đến 38 % công suất phát ra của động cơ.
Rõ ràng, tốc độ chuyển động càng lớn thì ảnh hưởng của sức cản khí động đối với xe càng mạnh. Các hãng sản xuất ô tô đã phải cố gắng rất nhiều để có được tính năng khí động tốt nhất cho phương tiện của họ. Do vậy, không ngạc nhiên khi thấy các loại giá đỡ có kích thước lớn trên nóc xe (giá đỡ hành hóa, hộp chứa đồ, giá đỡ xe đạp) sẽ làm tăng mạnh mức tiêu thụ nhiên liệu của phương tiện (từ dải tốc độ trung bình đến tốc độ cao). Các loại giá đỡ này thường được các hãng thiết kế rất cẩn thận. Một nghiên cứu tại Đức cho thấy, tại tốc độ 100 km/h, hộp ván trượt tuyết có thể làm tăng mức tiêu thụ nhiên liệu 21-23%; giá đỡ xe đạp có thể làm tăng mức tiêu thụ nhiên liệu 26-29%.
Theo một báo cáo được thực hiện tại Mỹ (Consumer Report) cho thấy, trên đường cao tốc, khoảng 50% công suất động cơ tiêu tốn để khắc phục sức cản khí động. Do đó, có thể giảm mức tiêu thụ nhiên liệu bằng cách loại bỏ các giá đỡ hành lý/ván trượt tuyết…trên nóc xe khi không cần sử dụng chúng. Các chuyên gia của trang web Edmunds.com còn cho biết thậm chí việc rửa sạch và đánh bóng xe cũng góp phần cải thiện tính năng khí động học.
Nghiên cứu của tổ chức ADEME tại Pháp đối với 20 xe con thông dụng cho thấy, theo chu trình thử mới của Châu Âu (NEDC), xe với điều hòa bật hết công suất sẽ có mức tiêu thụ nhiên liệu cao hơn khoảng 25% so với xe cùng loại không bật điều hòa.
Tại Mỹ [16], lời khuyên đối với việc sử dụng điều hòa như sau: khi lái xe với tốc độ thấp (dưới 40 dặm/giờ, tương đương với khoảng 64 km/h) tại các khu đô thị, việc mở cửa sổ lấy gió sẽ tốt hơn; tại tốc độ chuyển động cao hơn (trên 40 dặm/giờ), nên đóng cửa sổ và bật điều hòa một cách tiết kiệm (Hình 57).
Điều hòa không khí được dùng để tạo sự thoải mái cho lái xe, hành khách trong khoảng nhiệt độ và độ ẩm đã định. Do vậy, chỉ nên sử dụng điều hòa khi cần thiết (nếu nhiệt độ ca bin > 25ºC và khi xe đang chạy) và không hạ nhiệt độ dưới 23ºC. Khoảng nhiệt độ từ 23–25ºC là nhiệt độ thích hợp. Nhiệt độ thấp hơn sẽ gây cảm giác khó chịu và làm lãng phí nhiên liệu. Ngoài ra, cần cố gắng đỗ xe trong bóng râm để xe không bị hấp thụ nhiệt nhằm giảm nhu cầu sử dụng điều hòa. Nên quan tâm đến việc dán màng phim chống nóng hoặc mua rèm/che cửa sổ xe.
Sử dụng điều hòa ô tô đúng cách:
+ Không nên vừa khởi động động cơ đã bật điều hòa ngay (nút A/C) để mau chóng làm mát cho xe. Khi động cơ mới khởi động, đang làm việc ở tốc độ quay thấp đã phải chịu tải lớn sẽ dễ làm hư hại đến ắc quy. Tốt nhất là khi vừa khởi động, không nên bật điều hòa hay các thiết bị điện khác. Trong lúc chờ đợi, có thể hạ kính xuống và bật quạt gió để hơi nóng trong xe thoát ra. Khi động cơ đã hoạt động ổn định, đóng cửa kính, bật điều hòa và sau đó tăng dần mức quạt phù hợp để tạo độ lạnh vừa ý trong ca bin.
+ Về chế độ lấy gió khi xe chạy: Thông thường, nên lấy gió ngoài để xe có thêm dưỡng khí, chỉ nên lấy gió trong khi vừa bật điều hòa để không khí bên trong mau được làm lạnh (sẽ tiết kiệm nhiên liệu). Hiện nay, một số xe thế hệ mới có chế độ cài đặt tự động, sau 5 phút lấy gió trong sẽ chuyển sang chế độ lấy gió ngoài. Ngoài ra, một số xe còn lắp bộ cảm biến có thể nhận biết được không khí ô nhiễm khi đi ngang các khu vực bụi bẩn, và sẽ tự động chuyển sang chế độ lấy gió trong.
+ Nên chuyển sang chế độ lấy gió trong khi đi trong điều kiện thời tiết lạnh và mưa to vì lấy không khí ẩm vào lúc này có thể gây hiện tượng nước đóng giọt trong ca bin.
+ Khi chuẩn bị tắt động cơ, nên tắt điều hòa trước và đợi khoảng 20 giây, sau đó tắt quạt. Không nên tắt đột ngột cùng lúc cả động cơ và điều hòa.
+ Khi đi xe qua vùng ngập nước sâu, an toàn nhất là nên tắt điều hòa bao gồm cả quạt gió (trong thời gian này bạn có thể mở một phần cửa kính) nhằm tránh hiện tượng rác bẩn theo nước có thể làm kẹt cánh quạt.
Chăm sóc/Bảo dưỡng hệ thống điều hòa trên xe:
Cũng giống như máy lạnh trong phòng ở, hệ thống điều hòa của xe cần được sử dụng đúng cách kèm theo chế độ bảo trì, bảo dưỡng đúng qui định. Việc sử dụng máy lạnh trên xe đúng cách không chỉ giúp tiết kiệm nhiên liệu, duy trì độ bền cho hệ thống mà còn bảo đảm sức khỏe cho người lái.
Các chất sử dụng trong hệ thống làm lạnh có khả năng cao gây ra sự ấm lên toàn cầu. Do vậy, chúng cần được thu hồi và tái sử dụng (bởi các cơ sở bảo dưỡng/sửa chữa chuyên nghiệp) mà không được xả trực tiếp ra môi trường. Khi mức môi chất làm lạnh giảm xuống (so với thiết kế) sẽ làm giảm hiệu suất của hệ thống điều hòa. Tương tự như vậy, nếu mức môi chất quá cao cũng sẽ làm giảm hiệu suất. Chính vì vậy, hệ thống điều hòa không khí của bạn cần được chăm sóc bảo dưỡng một cách chuyên nghiệp để nó có thể làm việc tốt nhất. Cần bảo trì, bảo dưỡng điều hòa đúng hạn tại các cơ sở bảo dưỡng/sửa chữa chuyên nghiệp.
No Comments