Mô men xoắn của động cơ sinh ra có thể không đủ để dẫn động trực tiếp bánh xe (nhất là khi xe bắt đầu khởi hành hoặc lên dốc, chở tải nặng). Do vậy, hộp số dùng để tạo ra các giá trị mô men khác nhau để dẫn động bánh xe (cho phù hợp với chế độ tải và tốc độ chuyển động)
Mô men xoắn của động cơ sinh ra có thể không đủ để dẫn động trực tiếp bánh xe (nhất là khi xe bắt đầu khởi hành hoặc lên dốc, chở tải nặng). Do vậy, hộp số dùng để tạo ra các giá trị mô men khác nhau để dẫn động bánh xe (cho phù hợp với chế độ tải và tốc độ chuyển động). Trên phương tiện, hộp số có càng nhiều số truyền tiến thì càng có khả năng tiết kiệm nhiên liệu. Đầu những năm 1970, hộp số thường chỉ có 3 số tiến nên mức tiêu thụ nhiên liệu của xe rất cao. Sau cuộc khủng hoảng nhiên liệu những năm 1970, tại Châu Âu (từ 1975 đến 1980) bắt đầu dùng hộp số với 5 số tiến, do vậy đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc giảm mức tiêu thụ nhiên liệu của phương tiện, [5].
Hình 25. Sự thay đổi mô men xoắn ở đầu ra hộp số theo số truyền sử dụng, [3, 8]
Do vậy, kỹ năng cơ bản và quan trọng nhất đối với kỹ thuật ED là “Sử dụng số truyền hợp lý, chuyển nhanh lên số truyền cao nhất có thể”, [5, 8].
a. Sử dụng số truyền hợp lý với tải trọng và tốc độ xe
Người lái xe cần lựa chọn đúng số truyền sao cho phù hợp nhất với chế độ tải và tốc độ của phương tiện.
Sự thay đổi mô men xoắn (tính theo N.m) ở đầu ra hộp số theo số truyền sử dụng được trình bày trên Hình 25 Ta thấy, ở số truyền 1, trong giai đoạn đầu lực kéo tăng lên rất nhanh khi tăng tốc độ xe (tính theo km/h). Tuy nhiên, khi đạt được giá trị lớn nhất thì mô men xoắn bắt đầu giảm nhanh. Sự thay đổi mô men xoắn đầu ra ở các số truyền khác cũng có hình dạng tương tự nhưng khác nhau về mô men xoắn lớn nhất đạt được cũng như độ dốc của đường cong mô men xoắn (cả trước và sau khi đạt được giá trị lớn nhất với số truyền tương ứng).
Trên Hình 25 ta cũng thấy, ở cùng một dải tốc độ chuyển động của xe (ví dụ từ 30-40 km/h) có thể sử dụng nhiều số truyền khác nhau (ví dụ: từ số 1 đến số 4). Tuy nhiên, mô men xoắn (lực kéo) với các số truyền thấp (số 1, số 2, số 3) là rất cao, nhất là số truyền 1. Mô men xoắn đối với các số truyền cao (số 3, 4) là thấp hơn và giảm chậm khi tăng tốc độ chuyển động của xe.
Đặc tính về mức tiêu thụ nhiên liệu (tính theo lít/100 km) của phương tiện ứng với các số truyền khác nhau theo tốc độ xe (tính theo km/h) được thể hiện trên Hình 26. Ta thấy, đặc tính tiêu thụ nhiên liệu (Hình 26) có dạng “ngược lại” so với đặc tính mô men xoắn (Hình 25). Ví dụ, ở số truyền 1, khi tăng tốc độ xe mức tiêu thụ nhiên liệu giảm nhanh nhưng sau khi đạt giá trị cực tiểu mức tiêu thụ nhiên liệu lại tăng lên rất nhanh. Với các số truyền khác, mức tiêu thụ nhiên liệu tăng khi tốc độ chuyển động của phương tiện tăng lên và số truyền càng thấp thì mức tiêu thụ nhiên liệu càng cao.
Kết hợp các dữ liệu trên Hình 25 và Hình 26 ta thấy: chỉ nên sử dụng số 1 để khởi hành xe, sau đó nhanh chóng chuyển lên số truyền cao nhất có thể (sao cho phù hợp với tải trọng và tốc độ của xe), trong thời gian sớm nhất có thể.
Ảnh hưởng của việc sử dụng số truyền đến mức tiêu thụ nhiên liệu của phương tiện lắp động cơ xăng (ứng với các dung tích công tác Vh khác nhau: 2,5 lít; 2,0 lít; 1,6 lít và 1,2 lít) ở chế độ tốc độ ổn định v=60 km/h được trình bày trên Hình 27.
Ảnh hưởng của việc sử dụng số truyền đến mức tiêu thụ nhiên liệu của phương tiện lắp động cơ xăng (ứng với các dung tích công tác Vh khác nhau: 2,5 lít; 2,0 lít; 1,6 lít và 1,2 lít) ở chế độ tốc độ ổn định v = 50 km/h được trình bày trên Hình 28.
Ảnh hưởng của việc sử dụng số truyền đến mức tiêu thụ nhiên liệu của phương tiện lắp động cơ xăng (ứng với các dung tích công tác Vh khác nhau: 2,5 lít; 2,0 lít; 1,6 lít và 1,2 lít) khi tăng tốc từ 50 đến 80 km/h (với cùng khoảng thời gian) được trình bày Hình 29.
Các số liệu nghiên cứu thực nghiệm được trình bày trên các Hình 27, 28 và 29 đã một lần nữa nhấn mạnh vai trò của việc lựa chọn đúng số truyền cho phù hợp với tải trọng và tốc độ chuyển động của xe.
No Comments