Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong giao thông vận tải

Biến đổi khí hậu 15/04/2016 08:49

Thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã quan tâm và có chính sách thúc đẩy sử dụng hiệu quả năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo thông qua các chương trình, dự án triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã quan tâm và có chính sách thúc đẩy sử dụng hiệu quả năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo thông qua các chương trình, dự án triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Cũng như các nước đang phát triển, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có vấn đề cạn kiệt dần nguồn nhiên liệu hóa thạch nội địa, sự phụ thuộc nhiều hơn vào giá năng lượng thế giới… và vấn đề ô nhiễm môi trường.

Nhận thức được điều này, Việt Nam đã triển khai Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý căn bản cho việc thúc đẩy các giải pháp tiết kiệm năng lượng vì mục tiêu an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

eco-green

Trước hết phải kể đến biện pháp phát triển vận tải công cộng: Ngành GTVT đã có nhiều nỗ lực để phát triển vận tải công cộng trong tất cả các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy và hàng không bao gồm: Đầu tư, cải tạo cơ sở hạ tầng, phương tiện vận tải, phát triển các loại hình vận tải mới như vận tải bánh sắt tại các đô thị nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân. Bộ GTVT đã quan tâm và có chính sách thúc đẩy sử dụng hiệu quả năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo thông qua các chương trình, dự án.

Để vận tải công cộng tiếp tục phát triển trong giai đoạn tới, nhiều giải pháp sẽ được triển khai như: Hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng và vận tải phục vụ vùng sâu, vùng xa với nhiều hình thức như: ưu đãi tín dụng, ưu đãi sau đầu tư mua sắm phương tiện hoặc trợ giá; Khuyến khích lắp ráp phương tiện vận tải công cộng với nhiều hình thức. Bên cạnh đó, kết hợp phát triển hợp lý các mô hình vận tải hành khách công cộng mặt đất, đi ngầm và trên cao; Đổi mới phương tiện về chất lượng và chủng loại phù hợp với yêu cầu vận tải hàng hóa, hành khách trên các tuyến vận tải và điều kiện kết cấu hạ tầng giao thông…

Về biện pháp sản xuất, sử dụng phương tiện giao thông tiết kiệm năng lượng; khai thác và mở rộng ứng dụng khí hóa lỏng, khí thiên nhiên, điện, nhiên liệu hỗn hợp, nhiên liệu sinh học thay thế xăng, dầu: Những năm gần đây đã có một số dự án thí điểm tạo tiền đề tốt cho việc phát triển năng lượng sạch trong GTVT như ứng dụng ô tô điện vận chuyển khách trong nội thành Hà Nội; thí điểm nhiên liệu sinh học (xăng E5, Bio-diesel B5) cho phương tiện giao thông tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; một số hãng taxi cũng đã chuyển sang sử dụng nhiên liệu sạch (LPG) trong đó nhiều nhất là hãng taxi Dầu Khí; tại T.P Hồ Chí Minh trong tháng 8 vừa qua cũng đã đưa 21 xe buýt sử dụng khí nén thiên nhiên (CNG) vào hoạt động trên tuyến Bến Thành – Bến xe Chợ Lớn, thay thế cho số xe buýt chạy bằng dầu diesel… Mặc dù hiện nay còn nhiều khó khăn trong việc phát triển các loại nhiên liệu này (các trạm cung cấp nhiên liệu liệu sạch chưa phổ biến; khó tìm đất, địa điểm để xây dựng trạm, kinh phí đầu tư ban đầu lớn…) nhưng đây vẫn là một thị trường có nhiều tiềm năng phát triển trong giai đoạn tới.

Không chỉ có vậy, biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong kinh doanh vận tải cũng được đẩy mạnh. Nhiều đơn vị vận tải đã lồng ghép việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đã giảm được một phần mức tiêu thụ nhiên liệu trong sản xuất, đặc biệt là tại nhiều đơn vị vận tải lớn trong Ngành.

Cụ thể như Tổng công ty (TCT) Hàng không Việt Nam tổ chức nghiên cứu rút ngắn đường bay trong nước và quốc tế; Thực hiện các giải pháp quản lý bay, quản lý khí thải… kết quả là đã giảm được thời gian và tiết kiệm nhiên liệu bay. Ước tính năm 2009, TCT tiết kiệm được khoảng 25 triệu USD chi phí nhiên liệu bay.

TCT Đường sắt Việt Nam cũng đã ban hành quy định về sử dụng điều hòa trên toa xe khách, tổ chức hợp lý hóa công tác điều hành sản xuất tận dụng tối đa công suất đầu kéo; bảo đảm công tác bảo dưỡng kỹ thuật định kỳ và khoán mức tiêu thụ nhiên liệu cho các đơn vị; chỉ đạo Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội triển khai định mức sử dụng nhiên liệu trong khai thác đầu máy có hiệu quả trong quá trình tổ chức, khai thác vận tải đường sắt; đưa chỉ tiêu tiết kiệm nhiên liệu là một nội dung xét thưởng thi đua của TCT. Kết quả là mỗi năm TCT giảm khoảng 5% chi phí nhiên liệu.

Các công ty vận tải đa phương thức thử nghiệm hệ thống quản lý đội phương tiện, sử dụng hộp đen quản lý hành trình phương tiện vận tải; khoán quản chi phí nhiên liệu theo đơn giá tổng hợp; đầu tư đổi mới phương tiện kết hợp với nâng cao chất lượng công tác điều hành và quản lý sản xuất. Kết quả là đã giảm đáng kể mức tiêu hao nhiên liệu tính trên một đơn vị vận tải.

Biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong xây dựng, cải tạo công trình giao thông cũng được chú trọng. Bộ GTVT đã định hướng đối với các chủ đầu tư, đơn vị tổ chức thi công khi lập, thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, cải tạo công trình giao thông để triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng phải ưu tiên lựa chọn công nghệ, giải pháp thi công tiết kiệm năng lượng; tối ưu hóa nguồn cung ứng nguyên, vật liệu; sử dụng hợp lý máy móc, thiết bị thi công; xây dựng và thực hiện định mức nhiên liệu, định mức ca máy, định ngạch bảo dưỡng sửa chữa nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nhiên liệu của máy móc, thiết bị thi công…

Việc sử dụng hiệu quả năng lượng trong GTVT phụ thuộc rất nhiều vào tập quán, thói quen của người sử dụng phương tiện khi tham gia giao thông, phụ thuộc vào ý thức của người tham gia giao thông, ý thức tiết kiệm năng lượng trong sản xuất, quản lý, sinh hoạt của cán bộ, công nhân viên, lãnh đạo ngành GTVT. Do đó, để các quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đi vào cuộc sống, nhiệm vụ quan trọng trước mắt và hàng đầu là tăng cường nâng cao nhận thức về văn hóa tiết kiệm năng lượng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, từng bước tạo dựng thói quen tiết kiệm năng lượng trong cộng đồng.

Trong giai đoạn tới, để thực hiện Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ngành GTVT sẽ tăng cường ứng dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các phương tiện vận tải thông qua công tác quản lý kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ mới; xây dựng và điều chỉnh hợp lý các định mức kinh tế kỹ thuật trong quá trình sản xuất, duy tu, bảo dưỡng các phương tiện giao thông; triển khai ứng dụng cabin điện tử trong đào tạo: lái xe ôtô, tàu thuỷ, tàu hoả; phổ biến kỹ năng lái xe tiết kiệm năng lượng tại các trung tâm đào tạo lái xe và trên các phương tiện thông tin đại chúng…

( Nguồn: mt.gov.vn)

No Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *