Kỹ năng 3 : Khởi hành và tăng tốc phương tiện một cách từ từ

Lái xe sinh thái 12/11/2017 23:22
Mức tiêu thụ nhiên liệu của PTCGĐB được xác định một phần thông qua mức độ tăng tốc. Lực cản tăng tốc (lực quán tính) xuất hiện khi tốc độ của một phương tiện được tăng lên. Để đẩy một phương tiện chyển động hoặc tăng tốc độ của nó sẽ cần năng lượng trong khi tại vận tốc chuyển động trên đường không đổi thì lực cản tăng tốc sẽ bằng không (không tốn nhiên liệu).


Ví dụ về sự thay đổi của lực cản quán tính ở chế độ tăng tốc được trình bày trên Hình 22 (Chương 2). Ta thấy:
+ Ở tốc độ 30 km/h nếu tăng tốc phương tiện với gia tốc a = 0,5 m/s2 thì để thắng lực cản quán tính sẽ cần đến 70 % công suất phát ra của động cơ.
+ Ở tốc độ 90 km/h nếu tăng tốc phương tiện với gia tốc a = 0,5 m/s2 thì để thắng lực cản quán tính sẽ cần đến 52 % công suất phát ra của động cơ.
+ Ở tốc độ 130 km/h nếu tăng tốc phương tiện với gia tốc a = 0,5 m/s2 thì để thắng lực cản quán tính cần đến 41 % công suất phát ra của động cơ.
Rõ ràng, khi đang ở tốc độ ban đầu tương đối thấp, nếu tăng tốc phương tiện với gia tốc càng lớn thì càng tốn nhiều nhiên liệu.
Lực cản tăng tốc phụ thuộc vào mức độ gia tăng tốc độ và tổng khối lượng của phương tiện. Do vậy, việc tăng tốc phương tiện một cách nhẹ nhàng, tránh việc tăng tốc và phanh không cần thiết sẽ giúp lái xe tiết kiệm một lượng lớn nhiên liệu. Dữ liệu về mức tiêu thụ nhiên liệu của 2 loại xe buýt ứng với các kiểu lái xe khác nhau được trình bày trong Bảng 6.

Bảng 6. Mức tiêu thụ nhiên liệu ứng với các kiểu lái xe khác nhau, [19].

Với dữ liệu trong Bảng 6, sụ khác biệt về cách lái xe trong ví dụ này được giả thiết như sau:
+ A: cách lái xe “hung hăng”: tăng tốc nhanh, bám quá sát phương tiện phía trước, phanh đột ngột và mạnh.
+ B: cách lái xe thông thường
+ C: cách lái xe nhẹ nhàng: tăng tốc nhẹ nhàng, tiên liệu điều kiện giao thông và giảm thiểu việc phanh (thực hiện được các tiêu chí cơ bản của ED).
Số liệu trong Bảng 6 là giá trị mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình ứng với 3 loại hành trình khác nhau:
+ Trong điều kiện giao thông đô thị với tốc độ trung bình 30 km/h.
+ Trên đường nối các đô thị với tốc độ trung bình 60 km/h
+ Trên đường cao tốc với tốc độ 90 km/h
Không có gì ngạc nhiên khi kiểu lái xe càng “hung hăng” thì mức tiêu thụ nhiên liệu càng cao. Trong ví dụ này, kiểu lái A có mức tiêu thụ nhiên liệu cao hơn khoảng 45% so với kiểu lái B. Ngoài ra, kiểu lái xe nhẹ nhàng (C) có thể tiết kiệm khá nhiều nhiên liệu (khoảng 22 %) so với kiểu lái A.

Chỉ vài giây vận hành động cơ ở chế độ công suất cao (khi tăng tốc) cũng tiêu tốn lượng nhiên liệu bằng vài phút vận hành tại tốc độ trục khuỷu vừa phải hơn. Việc tăng tốc nhẹ nhàng và phanh êm, nhất là tại các khúc cua sẽ làm tăng quãng đường đi được của phương tiện.
Hãng ISUZU đã tiến hành nghiên cứu ảnh hưởng của kỹ thuật xuất phát và tăng tốc đến mức tiêu thụ nhiên liệu của phương tiện. Trên các các trục đường giao thông thường, nhất là tại các khu vực đô thị, có rất nhiều các giao cắt và đèn giao thông. Do đó, các lái xe sẽ phải xuất phát và tăng tốc nhiều lần. Kết quả thực nghiệm với xe tải hạng trung của hãng ISUZU cho thấy:
+ Trên quãng đường thử nghiệm dài 400 m, tiến hành xuất phát và tăng gấp tốc độ xe lên 60 km/h rồi chạy đến đích thì lượng tiêu thụ nhiên liệu là 147 cm3. Vẫn với xe đó và cùng quãng đường thử nghiệm nhưng nếu tăng tốc từ từ (tốc độ trục khuỷu không quá 1500 vg/ph) thì khi đến đích tiêu hao hết 116 cm3 nhiên liệu. Như vậy, lượng tiêu hao nhiên liệu chênh lệch giữa 2 cách xuất phát và tăng tốc là 31 cm3 (tiết kiệm được 27% nhiên liệu).
+ Khi xuất phát và tăng tốc gấp: Tốc độ trục khuỷu tăng nhanh và có thể gần đạt đến giới hạn trên (nmax); tốc độ trục khuỷu dao động mạnh.
+ Khi xuất phát và tăng tốc từ từ: Tốc độ trục khuỷu thay đổi từ từ; biên độ thay đổi của tốc độ trục khuỷu chỉ bằng ½ so với khi xuất phát và tăng tốc gấp.
Nếu trong một ngày, một xe tải có khoảng trên 100 lần xuất phát và tăng tốc thì lượng nhiên liệu tiết kiệm được bằng cách xuất phát, tăng tốc từ từ có thể lên đến 3,1 lít (sự khác biệt này sẽ lớn hơn đối với các phương tiện hạng nặng). Một điều đáng lưu ý là dù khởi hành và tăng tốc gấp hay khởi hành và tăng tốc từ từ thì sự khác nhau về thời gian đến đích cũng không đáng kể. Chính vì vậy, khi lái xe nên khởi hành và tăng tốc phương tiện từ từ.

No Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *