Quy hoạch giao thông thích ứng biến đổi khí hậu ở ĐBSCL

Biến đổi khí hậu 14/11/2017 14:32

“Định hình chuyển đổi mô hình phát triển ĐBSCL theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu có ý nghĩa rất quan trọng”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá.

1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thị sát vùng ĐBSCL bằng trực thăng chiều 26/9 – Ảnh: Thống Nhất

Tại Hội nghị phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) tổ chức hôm qua tại Cần Thơ, đại diện Bộ GTVT cho biết, trong quá trình nghiên cứu lập các quy hoạch chuyên ngành và triển khai đầu tư các dự án công trình giao thông tại khu vực, đã áp dụng các giải pháp phù hợp để kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL đảm bảo tính bền vững, phục vụ phát triển KT-XH.

Nhận diện thách thức

Tham dự sự kiện được coi là “Hội nghị Diên Hồng” tìm quyết sách để phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH có hơn 500 đại biểu, chuyên gia trong và ngoài nước. Trong ngày làm việc đầu tiên, các đại biểu tham gia thảo luận về Quy hoạch tổng thể và phát triển hạ tầng cho ĐBSCL; thách thức và giải pháp về quản lý tài nguyên nước; định hướng chuyển đổi quy mô lớn về mô hình phát triển; an toàn nước sạch vùng ĐBSCL trong điều kiện BĐKH, nước biển dâng; giải pháp chuyển đổi nông nghiệp bền vững cho các tiểu vùng, định hướng thủy lợi phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu.

Theo số liệu quan trắc khí tượng thủy văn ở ĐBSCL cập nhật đến năm 2014, các yếu tố khí hậu đã có những biến đổi khá rõ ràng và có sự tương đồng khá cao giữa các địa phương. Qua theo dõi của cơ quan chức năng, khu vực ĐBSCL hiện có 550 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 775km. Thời gian qua, tốc độ xói lở bờ biển khu vực ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng. Từ năm 2005 đến nay, tốc độ xói lở đã vượt tốc độ bồi, làm diện tích khu vực đồng bằng giảm khoảng 300ha/năm.

Nếu mực nước biển dâng 100cm sẽ ảnh hưởng 38,9% diện tích đất của ĐBSCL, các tỉnh bị ảnh hưởng nhiều nhất là: Hậu Giang (80,62%), Kiên Giang (76,9%).

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá: ĐBSCL là một trong bốn đồng bằng bị tác động mạnh nhất do BĐKH, nước biển dâng, khí hậu cực đoan, khai thác và sử dụng nước ở thượng nguồn sông Mê Kông và các hoạt động nhân sinh khác, cũng như từ bản thân mô hình phát triển thiếu tính tổng thể, gắn kết nội tại trong vùng, quản lý nhà nước còn bất cập, chồng chéo, thiếu phối hợp. Những tác động này tạo ra các thách thức vô cùng to lớn, đe dọa quá trình phát triển của vùng ĐBSCL, sinh kế và đời sống người dân trong vùng nói riêng và cả nước nói chung, qua đó tác động tới khu vực và quốc tế, đặc biệt là an ninh lương thực. Do đó, định hình chuyển đổi mô hình phát triển ĐBSCL theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu có ý nghĩa rất quan trọng.

2

Dự án luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu đã được thông luồng cho tàu từ 10.000 – 20.000 tấn – Ảnh: Phan Tư

Hoàn chỉnh quy hoạch giao thông thích ứng biến đổi khí hậu

Tham luận tại phiên chuyên đề “Quy hoạch tổng thể và phát triển hạ tầng cho ĐBSCL”, ông Lê Minh Đạo, Phó vụ trưởng Vụ KH&ĐT (Bộ GTVT) cho biết, theo kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng do Bộ TN&MT công bố năm 2016, ĐBSCL là vùng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất về mực nước biển dâng. Do vậy, từ rất sớm Bộ GTVT đã lồng ghép, nghiên cứu các giải pháp thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Trong quá trình nghiên cứu lập các quy hoạch chuyên ngành và triển khai đầu tư các dự án công trình giao thông tại khu vực đã áp dụng các giải pháp phù hợp để kết cấu hạ tầng GTVT vùng ĐBSCL đảm bảo tính bền vững, phục vụ phát triển KT-XH của vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.

Theo ông Đạo, trong lĩnh vực giao thông, để ĐBSCL thích ứng với BĐKH, cần đẩy mạnh việc lồng ghép các mục tiêu ứng phó, đảm bảo 100% các quy hoạch ngành, quy hoạch vùng được cập nhật có mục tiêu phù hợp với mục đích ứng phó BĐKH và nước biển dâng. Đồng thời, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến phục vụ việc củng cố, nâng cấp hệ thống công trình cảng, bến; tăng cường nghiên cứu quan trắc, cảnh báo sớm diễn biến xói lở, bồi ở các vùng có lưu lượng dòng chảy lớn, có độ dốc lớn, có nguy cơ sạt lở để đề xuất việc điều chỉnh phù hợp và có biện pháp thích hợp phòng tránh hoặc thích ứng. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh áp dụng các công nghệ mới, trong đó có sử dụng các loại vật liệu bền vững với biến động thời tiết, chịu đựng được những khắc nghiệt do thiên tai và rà soát và cập nhật hệ thống quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành xây dựng công trình giao thông theo hướng có xét đến tác động ảnh hưởng của BĐKH và nước biển dâng.

Song song đó, cần cập nhật thường xuyên thông số, số liệu đầu vào về mực nước, chiều cao sóng, vận tốc dòng chảy, vận tốc gió bão, nhiệt độ, lượng mưa tương ứng với các kịch bản BĐKH và nước biển dâng nhằm đề xuất các giải pháp kỹ thuật phòng ngừa, khắc phục và giảm thiểu rủi ro cho hệ thống các công trình giao thông. Căn cứ tuổi thọ của các công trình như cầu, bến cảng để dự phòng chiều cao thiết kế công trình theo dự báo BĐKH và nước biển dâng để tránh tình trạng rủi ro về an toàn công trình, suy giảm về công năng và thiệt hại về kinh tế.

Ngoài ra, phải phát triển hệ thống logistics và vận tải đa phương thức, đảm bảo kết nối liên hoàn, giảm chi phí và thời gian vận tải. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới trong tổ chức vận tải và xây dựng công trình giao thông nhằm giảm tiêu hao nhiên liệu, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính. Thực hiện đồng bộ các biện pháp kiểm soát khí thải, sử dụng năng lượng tái tạo, nhiên liệu ít phát thải khí nhà kính trong GTVT.

ĐBSCL với 13 tỉnh, thành phố, có tổng diện tích 3,94 triệu ha và dân số 17,5 triệu người, chiếm 12% diện tích tự nhiên và 20% dân số cả nước. Tính đến tháng 4/2017, ĐBSCL đóng góp 54% sản lượng lúa, 70% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 36,5% sản lượng trái cây, cung cấp 90% sản lượng lúa gạo xuất khẩu và 65% sản lượng thủy sản xuất khẩu của cả nước. 

Hồng Thủy – Báo Giao thông

No Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *